Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội
Lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội sẽ là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm nhất
Chia sẻ trên Cổng TTĐT Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Trong đó, có những vấn đề rất nóng, đang tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế như: Công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần…
Nhấn mạnh, đây đều là những vấn đề lớn ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhân dân, vì vậy đại biểu kỳ vọng, tại phiên chất vấn, các bộ trưởng sẽ trả lời thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề.
Qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan, đồng thời gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập đang tồn tại, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Theo đại biểu, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này đều là các vấn đề "nóng" và cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Tuy nhiên lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội sẽ là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm nhất. Bởi vì đây là lĩnh vực rất rộng, bao trùm đời sống và gắn với các quyền lợi thiết thân của tất cả người lao động.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, một trong các vấn đề đang tồn tại khá phổ biến tại các doanh nghiệp đó là tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nhiều ý kiến cử tri phản ánh điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hưởng bảo hiểm của họ. Mà thông thường, người lao động không nắm bắt được thông tin đóng – nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động của doanh nghiệp.
Chỉ khi có sự vào cuộc, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý hoặc khi phát sinh sự kiện được hưởng bảo hiểm theo quy định thì người lao động mới biết rằng quyền lợi của mình đã và đang bị xâm phạm.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này, đã trốn đóng, chậm đóng BHXH để tận dụng nguồn vốn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hưởng bảo hiểm của người lao động, tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội nói chung.
Xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần của người dân để trang trải sự thiếu thốn trước mắt cũng đang khiến các cơ quan quản lý "đau đầu". Điều này sẽ gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động và quỹ bảo hiểm xã hội.
Do vậy, đại biểu cho rằng, việc tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng này rất quan trọng giúp bảo toàn hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Một khía cạnh khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước đó là tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta vẫn còn khá chậm, đã 2 năm liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Điều này xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau như nguồn nhân lực, định hướng phát triển ngành nghề, khoa học kỹ thuật…
Vì vậy, rất cần có những giải pháp tổng thể đồng bộ để cải thiện vấn đề này góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
Trong làn sóng hơn 3 triệu lao động về quê, phần đông là những người mẹ đem theo con nhỏ, không trụ nổi tại thành phố buộc phải trở về
Về vấn đề chính sách với lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tối qua ông đọc lại báo cáo về lĩnh vực giày da, dệt may. Còn một tháng trước, ông được Thủ tướng phân công đi kiểm tra một số địa phương.
“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ.
Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con nhỏ. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về”, Bộ trưởng bộc bạch.
Vì vậy, về việc sa thải lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, lao động phải đào tạo ngay từ sớm, chưa thất nghiệp. Qua tuổi 40 với ngành dệt may quả thật là rất khó khăn với người lao động vì mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp.
“Do đó, phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa; các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Quyết liệt xử lý tình trạng trốn đóng, trục lợi bảo hiểm
Về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, vấn đề đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, tình trạng này có giảm đi trong thời gian qua.
Cụ thể, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, 205 quyết định xử phạt trong 2 năm.
Bộ trưởng chia sẻ: “Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhắc tôi rất nhiều, Bộ Lao động cũng đã vào cuộc quyết liệt. Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, chúng tôi dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó còn có trên 3.000 đoàn thanh tra bảo hiểm xã hội kiểm soát trên lĩnh vực thu”.
Việc thanh tra, xử phạt hành chính góp phần kéo giảm tỷ lệ chậm đóng năm 2022, chiếm 3,3% phần để thu. Đây là tiến bộ rất lớn.
Về giải pháp căn cơ xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng, cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp: Tuyên truyền ý thích chấp hành của người lao động, chủ sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật, nghị định xử phạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung nhanh ứng dụng công nghệ thông tin BHXH, BHYT, cơ sở dữ liệu dân cư; minh bạch thông tin cho người lao động biết khi người sử dụng chậm đóng 1 tháng, 3 tháng...
Cần giải pháp căn cơ cho vấn đề việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động
Cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước, do vậy đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) mong muốn, người chất vấn và trả lời chất vấn đều tham gia với tâm thế xây dựng, cầu thị và thẳng thắn, qua đó làm rõ trách nhiệm, giải pháp đối với những vấn đề đang được cử tri, người dân quan tâm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết ông sẽ chất vấn với cả 4 Bộ trưởng, trưởng ngành, nhất là với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi hiện nay các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ nhiều vấn đề đang được cử tri quan tâm như: việc thực hiện chế độ, chính sách với người có công với cách mạng; chính sách với sinh viên mới ra trường; tình trạng người lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc không lương, thất nghiệp tăng nhanh trong những tháng gần đây; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…
Theo đại biểu, vấn đề tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và bảo đảm quyền lợi cho người lao động là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần được Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm thực hiện bằng những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
Số liệu về tình trạng lao động, việc làm trong các tháng đầu năm 2023 do Bộ đưa ra cho thấy, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, chưa kể lao động trong hộ gia đình, lao động tự do. Việc làm bị ảnh hưởng sẽ tác động đến đời sống, quyền an sinh của người lao động, nhất là tình trạng mất việc.
Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa mong Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ đưa ra hệ thống giải pháp khắc phục một cách căn cơ, đồng bộ và hiệu quả những vấn đề này.